,

Lạc Việt độn toán phần 1 – 1

Posted by

2. Những di sản còn lại – Bát môn độn giáp và Lục Nhâm Đại độn:

 

Lạc Việt độn toán coi Bát Môn và Lục Nhâm là hai yếu tố cấu thành quan trọng khi phối với Âm Dương Ngũ hành và nguyên lý căn của Lý học Đông phương thuộc về văn minh Việt là Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ. Xin xem Tìm về cội nguồn Kinh Dịch và Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt.

 

Nhưng Bát môn độn giáp và Lục Nhâm đại độn nguyên thủy vốn chỉ là hai phương pháp dự báo rất đơn giản còn lưu truyền trong dân gian và không liên quan gì đến nhau. Phương pháp độn của Bát Môn và Lục Nhâm lần lượt như sau:



2.1.  Phương pháp độn Lục Nhâm Đại độn lưu truyền trong dân gian



Đồ hình lục nhâm đại độn
Lời truyền trong dân gian

 

Phương pháp này căn cứ trên một đồ hình chia làm 6 cung và mỗi cung có tên gọi như hình trên. Có hai cách lấy quẻ cho phương pháp này là:

 

2.1.1.  Phương pháp lưu truyền ở miền Bắc Việt Nam

 

* Bắt đầu từ cung Đại An là năm Tý, tính thuận theo chiều kim đồng hồ lần lượt mỗi năm một cung, đến năm định toán thì dừng lại.

 

* Lấy cung đó làm tháng Giêng cũng theo chiều kim đồng hồ mỗi tháng một cung, đến tháng định toán thì dừng lại.

 

* Lấy cung đó làm ngày mùng Một của tháng, thuận theo chiều kim đồng hồ lần lượt mỗi ngày một cung cho đến ngày định toán thì dừng lại.

 

* Lấy cung đó làm giờ Tý, thuận theo chiều kim đồng hồ, mỗi cung một giờ, đến giờ định toán thì dừng lại. Khi giờ dừng ở cung nào thì được quẻ đó.

 

Thí dụ:

 

+ Năm Mậu Tý, Tháng Hai, ngày 24, giờ Mùi (Từ 13g đến 15 giờ). Năm Tý tại cung Đại An. Tháng Giêng cũng tại đây, tháng Hai sẽ ở cung Lưu Niên. Ngày mùng Một tháng Hai cũng bắt đầu từ cung Lưu Niên. Đếm thuận mỗi cung một ngày thì ngày 24 ở cung Đại An. Giờ Tý tính từ cung Đại An lần lượt mỗi cung một giờ thì giờ Mùi sẽ ở cung Lưu Niên. Đến đây chúng ta được quẻ Lưu Niên theo phương pháp lưu truyền ở miền Bắc Việt Nam.

 

+ Năm Kỷ Sửu, tháng Năm, ngày 19 giờ Ngọ (Từ 11g đến 13g). Năm Tý ở cung Đại An thì năm Sửu ở cung Lưu Niên. Tháng Giêng cũng tại đây. Tháng Năm theo thuận tự từ Lưu Niên là 1 đếm đến tháng 5 sẽ ở Vô Vong. Ngày mùng Một từ Vô Vong đếm thuận đến ngày 19 cũng tại cung Vô Vong. Giờ Tý của ngày 19 tại cung Vô Vong đến thuận đến giờ toán quẻ là Ngọ cũng là an tại cung Vô Vong. Như vậy ta được quẻ Vô Vong của Lục Nhâm Đại độn.

 

2 – 1 – 2:  Phương pháp lưu truyền ở miền Nam Việt Nam

 

Tôi trích dẫn dưới đây là bài của Thái Tuế trên trang tuvilyso.com giới thiệu về phương pháp toán Lục Nhâm Đại độn còn lưu truyền phổ biến ở miến Nam Việt Nam, để tham khảo.


Môn độn toán này do ông Lý Thuần Phong sáng chế. Tài liệu môn này đã thất truyền.

 

Qua sự tìm tòi cổ thư ghép nhặt và tổng hợp các yếu tố có liên quan trong môn học này (không biết có trùng với bản chính không?) khi mang ra ứng dụng thấy xác liệu dự đoán rất phù hợp với công việc của nhiều người.

 

Vì khảo cứu trong tình huống thiếu thốn tài liệu, nên đỉnh cao của môn học không đạt tới được. Rất ước mong sự đóng góp khảo cứu của nhiều người có cơ hội biết môn này.

 

Khởi tháng Giêng ở cung Đại An, thứ tự theo chiều kim đồng hồ, mỗi cung một tháng, cho đến tháng cần toán. Sau khi có cung của tháng, ta khởi ngày mùng MỘT ở cung đó, đếm thuận mỗi cung một ngày tới ngày hiện tại. Ta khởi cung đó là giờ TÝ, đếm mỗi giờ một cung cho tới giờ hiện tại.

 

Thí dụ: Ngày 09 tháng 09 âm lịch, giờ Tị, có người nhờ tính, ta lấy cung như sau:

 

– Tháng 09 ở cung Tốc Hỉ, ngày 9 ở cung Tiểu Cát, giờ Tị ở cung Xích Khẩu. Vậy ta có tháng Tốc Hỷ, ngày Tiểu Cát, giờ Xích Khẩu.

 

– Ở độn toán, người ta chỉ dùng ngày và giờ để tính, còn cung tháng chỉ phụ giúp thôi.

 

– Ngày là chủ, là mình. Giờ là khách, là việc.

 

– Tháng phụ gúp cho hai ý trên theo tuổi.

 

 

 

Như vậy, so sánh giữa hai phương pháp tính quẻ Lục Nhâm Đại độn (Có nơi gọi là Lục Nhâm Tiểu độn) lưu truyền ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam thì chúng khác nhau ở chõ căn bản là: Phương pháp toán lưu truyền ở miến Bắc có tính năm theo Âm lịch và phương pháp ở miền Nam thì chỉ tính tháng.

 

Lưu ý:

 

* Xuất phát từ tính hợp lý của vấn đề về vị trí của Lục Nhâm đại độn trong Lạc Việt độn toán thì chúng ta ứng dụng việc toán quẻ Lục Nhâm Đại độn theo phương pháp toán quẻ lưu truyền ở miến Bắc. Tức là có tính năm. Năm Tý bắt đầu từ cung Đại An.

 

* Để tiện việc tính nhanh, các ngày mùng 1, mùng 7, 13, 19, 25 bao giờ cũng cùng một cung.

 

2 – 1 – 3:  Kết luận

 

Lạc Việt độn toán dùng phương pháp độn Lục Nhâm Đại độn lưu truyền ở miến Bắc Việt Nam làm phương pháp độn chính thức cho Lục Nhâm đại độn Lạc Việt độn toán.

2.2.  Phương pháp độn Bát môn độn giáp lưu truyền trong dân gian

 

Bát môn có ký hiệu các cung hoàn toàn giống môn Thái Ất thần kinh và Kỳ môn độn giáp. Đồng thời 9 cung trên Bát môn cũng là đồ hình căn bản của thuật toán Thái Ất và Độn giáp.



Đồ hình Bát môn độn giáp
Lưu truyền trong dân gian.



2 – 2 – 1:  Phương pháp toán quẻ Bát Môn Đại độn lưu truyền ở miền Bắc Việt Nam

 

Phương pháp này không tính năm, mà bắt đầu từ cung Sinh tính là tháng Giêng, đếm thuận theo chiều kim đồng hồ đến tháng cần toán. Từ cung này tiến lên một cung là tính là ngày mùng Một của tháng đó, đếm thuận theo chiều kim đồng hồ đến ngày cần toán. Tiến lên một cung là giờ Tý, đếm thuận mỗi cung một giờ đến giờ cần toán. Dừng lại ở cung nào ta được quẻ Bát Môn Đại độn ở cung đó.

 

Thí dụ:

 

* Tháng ba, ngày 24, giờ Tỵ (Từ 9g đến 11g): Bắt đầu từ cung Sinh là tháng thứ nhất, đếm đến tháng Ba là cung Đỗ. Tiến lên một cung là cung Cành là ngày mùng Một đếm đến ngày 24 là cung Đỗ. Tiến lên một cung là cung Cảnh lấy là giờ Tý đếm đến giờ Tỵ lại là cung Đỗ. Quẻ lấy được theo phương pháp Bát Môn Đại độn là quẻ Đỗ.

 

* Tháng 9, ngày 19, giờ Thân: Tháng Giêng từ cung Sinh đếm đến tháng 9 vẫn là cung Sinh. Tiến lên một cung ngày mùng Một vào cung Thương. Từ cung này đếm thuận đến ngày 19 ở cung Cảnh. Tiến lên một cung thì giờ Tý ở cung Tử, đếm thuận đến giờ Thân là cung Tử. Quẻ Bát Môn độn giáp lấy được là quẻ Tử.

2 – 2 – 2:  Phương pháp toán quẻ Bát Môn Đại độn lưu truyền ở miền Nam Việt Nam

 

Có hai cách toán Bát môn độn giáp:

 

2 – 2 –  2 –  1:  Phương pháp toán Bát Môn thứ nhất:

 

Tính thuận theo chiều kim đồng hồ khởi tháng Giêng từ cung Sinh, tiếp đến
Tháng 2/3 đồng cung tại Thương.
Tháng 4 cung Đỗ.
Tháng 5/6 đồng cung tại Cảnh.
Tháng 7 cung Tử.
Tháng 8/ 9 đồng cung tại Kinh.
Tháng 10 cung Khai.
Tháng 11/12 đồng cung tại Hưu.

 

Trong phương pháp này, các tháng Mộ của tứ hành vào chung một cung với tháng vượng của hành đó. Xuân thuộc Mộc. Tháng 3 là Mộ của Xuân, ghép vào tháng 2… Như vậy ta có đủ 12 tháng phối với Bát môn.

 

Với phương pháp này ta thấy:

 

* Phép độn Bát Môn thuận theo 4 mùa, điều này phối Hà Đồ là hợp lý. Đây cũng là đồ hình của 12 thiên bàn Tử Vi – Ngũ hành tương sinh thuận theo chiều kim đồng hồ của Hà Đồ. Cách phối này xác quyết sự phối Bát Môn với Hà đồ ở trên.

 

* Do có hai tháng bị trùng quẻ theo mùa, nên sự tuần hoàn bị chựng lại theo mùa, có nghĩa là đến tháng cuối của mùa nào thì quẻ sẽ trùng với tháng trước đó.

2 – 2- 2- 2: Phương pháp toán Bát Môn thứ hai:

 

Tháng Giêng tại cung Sinh, tính thuận mỗi cung một tháng cho đến hết 12 tháng. Phương pháp độn này sẽ cho 4 tháng cuối năm có các quẻ lặp lại với 4 tháng đầu năm. Vì đồ hình Bát Môn được luận theo thuận tự 12 tháng trong năm, nên cũng xác quyết cho chúng ta về sự phối Bát Môn với Hà Đồ (Hà Đồ: Bốn mùa – Ngũ hành tương sinh – theo chiều thuận kim đồng hồ).

 

Như vậy, thoạt nhìn dễ nhận thấy sự hợp lý của phương pháp 1. Nhưng nếu so sánh với qui luật vận động liên tục và lặp lại của tự nhiên và vũ trụ, thì không thể có sự lặp lại theo cùng đơn vị thời gian trong tự nhiên. Bởi vậy, không thể có quẻ lặp lại theo từng tháng mùa.

 

Theo phương pháp thứ hai – cũng là điều liên quan đến phương pháp Bốc Dịch theo giờ do ông Thiệu Khang Tiết công bố vào thời Tống – chúng ta sẽ có 8 quẻ Dịch liên tiếp nhau thuộc 8 giờ đầu trong ngày và 4 quẻ dịch lặp lại trong 4 giờ cuối, giờ ta  là 2 giờ đồng hồ Tây, cho thấy có sự trùng khớp hợp lý giữa tự nhiên và phương pháp bốc Dịch, nên tôi đã chứng nghiệm và chọn cách tính tháng theo phương pháp 2 cho Lạc Việt độn toán.



Tuy nhiên tôi công nhận tính thiếu vắng của toán năm trong quá trình tìm hiểu Bát môn trong Lạc Việt độn toán. Hy vọng sau này bạn đọc nghiên cứu Lạc Việt độn toán phát hiện ra phương pháp tính năm mà thấy hợp lý về nhiều phương diện thì chúng ta có thể hiệu chỉnh và thay đổi.

Lưu ý:

 

* Xuất phát từ tính hợp lý của vấn đề về vị trí của Bát Môn độn giáp trong Lạc Việt độn toán thì chúng ta ứng dụng việc toán quẻ Bát Môn độn giáp theo phương pháp toán quẻ lưu truyền ở miến Bắc, tức cũng phương pháp một ở Miền Nam. Tức là mỗi tháng thuận tự tiến lên một cung, bắt đầu từ cung Sinh.

 

* Để tiện việc tính nhanh, các tháng 1, tháng 9 bao giờ cũng cùng một cung. Các ngày mùng 1, mùng 9, 17, 25 cùng một cung.

 

2 – 2 – 3: Kết luận

 


Lạc Việt độn toán dùng phương pháp độn Bát Môn Độn giáp lưu truyền ở miến Bắc Việt Nam và phương pháp 1 trùng khớp lưu truyền ở miền Nam Việt Nam làm phương pháp độn chính thức cho Bát Môn trong Lạc Việt độn toán

 

 

Mời xem các bài khác:

 

    1. Lời tựa

 

    1. Lạc Việt Độn Toán – Lời giới thiệu

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 1

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 1 – 2

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 1 – 3

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 1 – 4

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 1 – 5

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 1 – 6

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 2

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 3

 

    1. Lạc Việt độn toán phần 4

 

  1. Lạc Việt độn toán phần 5