Lã Tài đời Đường cũng viết rằng: “Người phú quý đất Nam Dương, hai mươi tám tướng, không lẽ người nào cũng được cung lục hợp. Quân bị chôn ở đất Tràng Bình, bốn chục vạn người không hẳn người nào cũng bị hạn tam hình”.
Thật vậy! Nếu Khoa Tử Vi Đẩu Số chỉ dựa vào năm, tháng, ngày, giờ và các vị tinh tú để quyết đoán định Mệnh của một đời người, tất sẽ không tránh khỏi nhiều khuyết điểm nếu không muốn nói rằng sai lầm.
Sách có câu: “Nhân định thắng thiện”, “Đức năng thắng số” nghĩa là người định có thể thắng được trời và phúc đức có thể thắng được số Mệnh.
Nếu thế, thử hỏi rằng, tài giỏi như Gia Cát Lượng Sao vẫn không xoay được mệnh trời, đã biết thiên hạ sẽ chia ba nhưng vẫn Lục Xuất Kỳ Sơn để rồi cam thất bại. Đức độ như Khổng Phu Tử mà đương thời không người dùng đến, phải bị khốn ở đất Trần Sát và người đời bảo rằng: “Lơ láo như chó mất chủ”.
Hẳn ta phải công nhận rằng mỗi cá nhân là một định mệnh và trong định mệnh đã ngầm có cái Nhân Quả Luân Hồi. Tuy nhiên “Nhân” không thể từ mình sinh ra “Quả” được mà cần phải có “Duyên” trợ lực.
Chẳng hạn một hạt dưa (Nhân) phải có đất, hơi ẩm, ánh sáng mặt trời, phân bón (Duyên) để mọc thành cây và sinh trái (Quả). Nhưng nếu gặp “Duyên” xấu, tức hoàn cảnh ngoại tại không thích hợp, thời cái “Nhân” kia phải hư thối, mục nát.
Thành thử, cùng một “Nhân” mà khác “Duyên” tất không sinh ra “Quả” giống nhau, ngược lại cùng một “Duyên” mà khác “Nhân” thời cũng chẳng sinh cùng một loại “Quả”.
Vì thế, con người cũng là một sinh vật, tất không thể không chịu chung một định luật “Nhân, Quả” ấy!
Nếu hai mươi tám tướng ở đất Nam Dương, đều được phú quý tất họ khác “Nhân” nhưng cùng chung một “Duyên” tốt. Bốn mươi vạn quân bị chôn ở đất Tràng Bình tuy cũng khác “Nhân”, nhưng hẳn cùng một “Duyên” xấu.
Vậy ta đừng vội kết luận rằng Khoa Tử Vi Đẩu Số là huyền hoặc nếu đã chấp nhận mỗi “Định Mệnh” là một “Nhân” sẽ tùy thuộc vào “Duyên” mà phát triển nếu cái “Duyên” ấy tạm gọi là “Âm Đức”, thời khoa Tử Vi đã hơn một lần chứng minh sự ứng nghiệm.
Hơn nữa, triết lý của người xưa không đòi hỏi ở sự tuyệt đối mà là đạo “Trung Dung” thì khoa học ấy tự nó cũng nói lên một phần nào giá trị.
Cho nên, khi Hán Cao Tổ Lưu Bang gồm thâu thiên hạ, một ngày kia đi tuần du gặp một lão nhà quê hỏi rằng:
– Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần có một điều kính xin bệ hạ chỉ giáo! Cũng sinh một năm, một ngày, một giờ mà sao bệ hạ là bậc Đế Vương, thống nhất thiên hạ, khiếp phục chư hầu mà hạ thần chỉ là một kẻ ngu dân ở nơi cô lâu này!
Hán Cao Tổ nghe nói lấy làm lạ, ngẫm nghĩ và hỏi rằng :
– Vậy hiện nay nhà ngươi làm nghề gì ?
– Muôn tâu thánh thượng hạ thần làm nghề nuôi ong và hiện có chín tổ ong đang kéo mật.
Lưu Bang mới vỗ tay cười ha hả mà rằng :
– Nếu thế thì nhà ngươi còn sung sướng hơn ta nhiều. Ta chỉ làm vua có một nước Trung Hoa mà vẫn chưa yên, ngoài lo chế ngự Chư Hầu, trong lo bầy tôi làm phản.
Nhà ngươi làm vua chín nước, loài ong cũng có quân, thần, phụ tử chẳng khác loài người, lại không phản phúc. Tất ngươi diễm phúc hơn ta còn than nỗi gì!
Chúng tôi xin mượn giai thoại trên để kết thúc và giải tỏa một phần nào mọi thắc mắc, những băn khoăn, cùng ẩn ức bất mãn của mỗi người trong chúng ta, về khoa Tử Vi Đẩu Số, nói đúng hơn là Tương Lai Định Mệnh.
Saigon Xuân Giáp Dần Thái Vân Thình Cẩn đề