Ngày nay, hai từ “phong thủy” đã trở nên khá quen thuộc trong cuộc sống người dân. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng phong thủy không phải là khoa học mà là “mê tín dị đoan”.
Trong số báo này, các nhà nghiên cứu lý học Đông phương sẽ gửi đến độc giả một số kiến giải về bộ môn còn nhiều tranh cãi này.
Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương đã từng phối hợp với Hội Đông Nam Á tổ chức một cuộc hội thảo với tiêu đề “Phong thủy là khoa học”. Trong hội thảo này, thạc sĩ Hà Mạnh Hùng đã đưa ra những phân tích về khái niệm phong thủy.
Ông Hùng đặt vấn đề: “Bách khoa toàn thư Việt Nam định nghĩa “phong thủy” là: “Thuật xem đất để chọn nơi xây thành quách, cất đình chùa hoặc dựng nhà cửa, đặt mồ mả.” Về mặt từ nguyên, phong có nghĩa là “gió”, là hiện tượng không khí chuyển động và thủy có nghĩa là “nước”, là dòng nước, tượng trưng cho địa thế. Kinh viết: Khí gặp gió (phong) ắt tán, gặp nước (thủy) thì dừng. Cổ nhân dạy làm sao cho khí tụ chứ không tán, nước chảy có chỗ dừng”. Do vậy mà có tên là “phong thủy”.
“Khí” là yếu tố quan trọng hàng đầu, cốt tủy trong nghiên cứu phong thủy, là động lực của sự hình thành và phát triển của vạn vật. Khoa học hiện đại cũng đã ghi nhận sự tồn tại của một dạng vật chất đặc biệt bao quanh vật thể sống, có thể chụp ảnh bằng thiết bị chuyên môn.
Một ngôi nhà được xây dựng theo quan niệm phong thủy.
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu phong thủy Lạc Việt thì cái tên “phong thủy” không nên hiểu đơn giản là gió và nước. Phong thủy Lạc Việt thừa nhận sự tồn tại của “khí” nói chung và “khí” trong phong thủy – một dạng vật chất đặc biệt được hình thành do sự tương tác giữa các vật thể – nói riêng.
Trước ý kiến của một số người cho rằng phong thủy là một hình thức “mê tín, dị đoan”, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương), phân tích: “Không lẽ chỉ vì chúng ta chưa giải thích được sự bí ẩn trong một mảng học thuật của nền văn minh Đông phương thì cho nó là “mê tín”? Trong khi hiệu quả ứng dụng của phong thủy đã có tác dụng thực tế hàng ngàn năm trong nền văn minh Đông phương”.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, chúng ta đều biết rằng nền khoa học phương Tây đã nhìn nền văn minh phương Đông (bao gồm phong thủy, Đông y và các môn dự báo khác) bằng con mắt huyền bí. Tính huyền bí đó chính là sự ứng dụng có hiệu quả trên thực tế nhưng nguyên lý lý thuyết và hệ thống phương pháp luận để giải thích hiện tượng thì lại mơ hồ.
Chúng tôi đã dùng tiêu chí khoa học cho một hệ thống lý thuyết khoa học được coi là đúng làm chuẩn mực để hiệu chỉnh lại toàn bộ những di sản còn lại của môn phong thủy. Căn cứ vào những tiêu chí khoa học để thẩm định, chúng tôi xác định phong thủy Lạc Việt hoàn toàn khoa học.
Nhiều người quan niệm, bài trí nội thất trong nhà theo phong thủy, chơi đá phong thủy, dùng sim phong thủy… có thể đem đến may mắn, lộc tài, thành công. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh chia sẻ: “Ngành phong thủy theo sự nghiên cứu của chúng tôi bao gồm rất nhiều yếu tố tương tác phức tạp. Chúng tôi kết luận, cái gọi là 4 trường phái trong phong thủy theo cổ thư chữ Hán thực chất là 4 yếu tố tương tác căn bản.
Một là loan đầu – tức cảnh quan môi trường; Hai là hình lý dương trạch – tức cấu trúc hình thể ngôi nhà; Ba là bát trạch – tức ảnh hưởng của từ trường trái đất; Bốn là huyền không – thời gian xây cất, hoàn thành ngôi gia trong mối liện hệ với môi trường vũ trụ.
Tất cả những mô hình biểu kiến này đều phải thỏa mãn một thực tế là “khí” phải sung mãn đối với ngôi nhà trong môi trường của nó. Sau khi thỏa mãn tất cả những điều kiện nói trên thì các vấn đề như bài trí nội thất, đá phong thủy… mới phát huy tác dụng trong điều kiện phù hợp với tổng thể của nó.
Tôi nghĩ rằng chính vì phong thủy được coi là khoa học cho nên nó có tác dụng như thuốc vậy. Nếu phong thủy không phù hợp thì như uống phải thuốc độc. Còn nếu phong thủy tốt cũng như uống thuốc bổ. Uống thuốc bổ không thay đổi được số phận, nhưng rõ ràng thay đổi được định lượng của cuộc sống. Còn uống nhầm thuốc độc, chắc chắn sẽ rất phiền”.