Một phiến đất sét có khắc chữ viết, với niên đại hơn 3.000 năm, được xem là văn bản cổ nhất châu Âu, vừa được phát hiện khi các nhà khoa học tiến hành khai quật khu vực tại miền Nam Hy Lạp.
Theo giáo sư khảo cổ học tại Đại học tổng hợp Missouri-St Louis (Mỹ) Michael Cosmopoulos, phiến đấtsét này dường như là một bản ghi chép tài chính, có niên đại cổ hơn một thế kỷ so với những văn bản từng được phát hiện ở châu Âu trước đó.
Trên mặt phiến đất sét có viết một danh sách gồm tên và chữ số. Chữ viết trên tấm bảng là Linear B, hình thức chữ viết thời tiền cổ Hy Lạp của người Mycenae, một nền văn minh phát triển vào cuối Thời kỳ Đồ đồng ở Hy Lạp. Người Mycenae thống trị phần lớn Hy Lạp từ năm 1600 trước Công nguyên và được cho là đã tiến hành cuộc chiến thành Troy.
Phiến đất sét này được tìm thấy gần một ngôi làng trên đỉnh đồi Iklaina ở phía Tây bán đảo Peloponnese. Các nhà khảo cổ đã phát hiện những phế tích bị tàn phá của một quần thể xây dựng lớn với những bức tường đất lớn xây cao, những bức tranh tường và hệ thống thoát nước tiên tiến, dường như là một cung điện và thành phố thời đầu nền văn minh Mycenae, có niên đại trong khoảng năm 1550-1400 trước Công nguyên.
Ông Michael Cosmopoulos cho rằng khu vực này có thể đã bị phá hủy vào khoảng năm 1400 trước công nguyên. Sự tồn tại của phiến đất sét khắc chữ trên cho thấy người cổ Hy Lạp đã biết chữ sớm hơn người ta vẫn nghĩ.
(theo khoahoc)