I. LỊCH SỬ PHONG THỦY
Phương pháp ứng dụng của phong thủy đã tồn tại từ rất lâu trong văn minh Đông phương cổ. Những tư liệu và di vật khảo cổ lâu nhất tìm thấy được, mà người ta cho rằng mang dấu ấn của Phong thủy có từ 1500 năm trước Công Nguyên, qua những di vật khảo cổ tìm thấy ở Ân Khư – Thủ đô của nhà Hạ Ân trong lịch sử cổ đại Trung Hoa (*). Nhưng lý thuyết và phương pháp ứng dụng thực sự lưu truyền quan bản văn chữ Hán thì lại gần 2000 năm sau mới xuất hiện, cuốn sách cổ nhất được ghi nhận của Quách Phác đời Tấn, tựa là “Táng thư”. Từ đó về sau, những phương pháp ứng dụng phong thủy trong xây dựng nhà ở, dinh thự và cả phương pháp chôn cất với mục đích làm phát vượng cho dòng tộc đời sau (Âm trạch), tiếp tục xuất hiện và nhiều nhất vào khoảng thời Đương Tống. Những phương pháp này – chủ yếu là dùng trong Dương Trạch – gần như khác nhau và xuất hiện ở những thời điểm khác nhau, nên người ta cho rằng nó thuộc về những trường phái khác nhau. Ngoài những sách vở chính thống thì phong thủy còn được lưu truyền một số phương pháp có tính bí truyền và chỉ truyền miệng trong dân gian, qua các giang hồ thuật sĩ.
Phong thủy cũng như Tử Vi, Bốc Dịch ….chỉ là những phương pháp ứng dụng với phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Bản thân lý thuyết này đã thất truyền và rất mơ hồ, trí thức hiện đại không hiểu được những thuật ngữ, khái niệm về những thực tại mà nó phản ánh. Bởi vậy – chính vì tính mơ hồ và thất truyền ấy – nên một thời rất dài khi tiếp xúc với nền văn minh Phương Tây, khoa Phong thuỷ đã bị liệt vào loại “mê tín dị đoan”. Mặc dù hiệu quả của nó trên thực tế chính là nguyên nhân để nó tồn tại trải hàng ngàn năm trong xã hội Đông phương.Hiệu quả thực tế trải hàng ngàn năm và tính khách quan, tính qui luật với khả năng tiên tri của phương pháp phong thuỷ đã chứng tỏ một thực tại được nhân thức, tổng hợp thành một hệ thống lý thuyết và tạo ra một phương pháp ứng dụng của nó.
II. LỊCH SỬ PHONG THỦY LẠC VIỆT
Lịch sử của dân tộc Việt trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ ở miền nam sông Dương Tử. Người Việt tự hào là giòng dõi của Cha Rồng – biểu tượng của sức mạnh vũ trụ – và Mẹ Tiên – biểu tượng của trí tuệ siêu việt. Trí tuệ vũ trụ này chính là nội dung của danh xưng văn hiến Việt. Cùng với nền văn minh cổ đại huyền vĩ khác là văn minh Ai Cập, nền văn hiến huyền vĩ của dân tộc Việt cũng bị sụp đổ ở thế kỷ thứ III trước CN ở bờ Nam sông Dương tử. May mắn cho văn minh Ai Cập đã để lại những chứng tích cho sự tồn tại của nó. Đó chính là những kỳ quan của thế giới hiện nay. Một trong những di sản kỳ vĩ đó là Kim Tự tháp, mà cho đến ngày nay, trí thực hiện đại đầy tự hào vẫn còn phải bàng hoàng chiêm ngưỡng. Nhưng văn minh Việt khi sụp đổ chỉ để lại những giá trị văn hoá phi vật thể, trong nền văn minh Đông phương kỳ bí đến huyền vĩ mà cho đến nay người ta cũng không thể hiểu nổi bản chất đích thực của nó. Một trong những sự kỳ bí huyến vĩ trải hàng thiên niên kỷ cho đến bây giờ, chính là phương pháp ứng dụng trong Phong Thủy.
Khi nghiên cứu về Phong thủy, những nhà nghiên cứu lịch sử Phong thủy đều thống nhất cho rằng:
Phương pháp ứng dụng trong Phong thủy thuộc về văn minh Hoa Hạ cổ. Căn cứ vào thời điểm xuất hiện khác nhau trong thời gian lịch sử của văn minh Hán, của các phương pháp ứng dụng khác nhau trong phương pháp phong thủy mà họ gọi là trường phái.
Nhưng trên cơ sở những nghiên cứu mới nhất theo tiêu chí khoa học hiện đại thì không thể nào có với một đối tượng duy nhất là con người và cùng một phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành (*)– mà lại có những phương pháp khác nhau không liên quan đến nhau và đôi khi mâu thuẫn trong phương pháp ứng dụng.
Một phương pháp ứng dụng với phương pháp luận giải thích nó phải là hệ quả của một học thuyết là cơ sở của phương pháp luận của nó. Thuyết Âm Dương Ngũ hành cho đến tận ngày nay vẫn rất mơ hồ qua các cổ thư chữ Hán và không một triều đại nào trong lịch sử văn minh Trung Hoa coi thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết chính thống. Bởi vậy, ngày nay – mặc dù những bản văn cổ nhất còn lưu giữ về môn phong thủy hoàn toàn viết bằng chữ Hán, nhưng đó không phải là bằng chứng cho môn Phong thủy có cội nguồn từ văn minh Hán. Đó chỉ là việc chuyển ngữ từ một nền văn minh đã sụp đổ trải hàng ngàn năm sang văn hóa Hán. Một đế chế thống nhất phải thống nhất về ngôn ngữ và văn tự. Đây chính là nguyên nhân để những tri thức phi Hán muốn lưu truyền trong đế chế Hán phải chuyển ngữ sang ngôn ngữ và văn tự Hán. Nền văn minh Hán từ hàng ngàn năm trước cho đến tận ngày nay vẫn không hề có một tri thức nền tảng là cơ sở hình thành các phương pháp ứng dụng thuộc lý học Đông phương với phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Do đó, điều này chỉ có thể giải thích một cách hợp lý rằng: Phong thủy chính là một phương pháp ứng dụng nhất quán và là hệ quả của một tri thức về thiên nhiên, cuộc sống, vũ trụ và con người được lý thuyết hoá trong thuyết Âm Dương Ngũ hành . Một học thuyết nhất quán và hoàn chỉnh . Học thuyết này đã thất truyền khi văn minh Lạc Việt bị sụp đổ ở miền nam sông Dương tử. Những giá trị của nến văn minh này bị tan tác và lưu truyền trong dân gian. Chúng lần lượt bị Hán hoá và được công bố tùy từng thời điểm, sau khi văn minh Việt bị sụp đổ trải hàng ngàn năm. Cách giải thích này với thực tại trong ứng dụng phong thủy chỉ có đối tượng duy nhất và phương pháp luận duy nhất đã chứng tỏ rằng: Bộ môn phong thủy này không thể thuộc về nền văn minh Hán, mà thuộc về nền văn hiến kỳ vĩ của người Lạc Việt và là một phương pháp nhất quán, hoàn chỉnh. Những phương pháp riêng phần gọi là trường phái trong văn minh Hán, thực chất là sự ứng dụng những yếu tố tương tác khác nhau qua những ứng dụng cụ thể khác nhau do tính chất tương tác khác nhau.
Phong thủy Lạc Việt không phải là một trường phái bên cạnh những ý tưởng về “trường phái phong thủy” theo quan niệm phổ biến hiện nay. Mà Phong thủy Lạc Việt là sự minh chứng tiếp tục và khẳng định một quan niệm về nguyên lý học thuật cổ Đông phương được ứng dụng trong môn Phong Thủy.
Khởi nguyên của học thuật phong thủy từ nền văn hiến Việt chính là sự tổng hợp của các yếu tố tương tác này.
III. NỘI DUNG PHONG THỦY LẠC VIỆT
1) Sự thống nhất các phương pháp trong Phong thủy Lạc Việt.
Nội dung ứng dụng của Phong thủy Lạc Việt về căn bản không khác các phương pháp ứng dụng rời rạc, từng phần còn lưu truyền lại trong các cổ thư chữ Hán của Phong thủy (Mà các nhà nghiên cứu quen gọi là trường phái). Điều khác nhau ở đây là:
– Phong Thủy Lạc Việt xuất phát từ nguyên lý căn để Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ. Đây chính là nguyên lý nền tảng của Phong thủy Lạc Việt để xác định và thống nhất mọi phương pháp ứng dụng trong Phong thủy Lạc Việt.
– Tất cả các phương pháp ứng dụng trong Phong Thủy rời rạc từ cổ thư chữ Hán còn lưu lại và xuất hiện trong văn hoá Hán vào những thời điểm khác nhau – quen gọi là trường phái – như: Hình lý khí (Loan đầu); Dương trạch; Bát trạch; Huyền không và rất nhiều sách vở tản mát khác …đều không phải là những yếu tố riêng phần, mà là những yếu tố tương tác căn bản trong Phong thủy Lạc Việt để quán xét một đối tương duy nhất của nó. Những yếu tố tương tác này thống nhất trong một nguyên lý duy nhất: Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ.
– Điều quan trọng là Phong thủy Lạc Việt là một hệ thống nhất quán với nguyên lý căn để của nó và mọi hiện tượng được giải thích bằng nguyên lý căn để này –Hậu thiên Lạc Việt phối Hà Đồ. Hay nói một cách khác:
Phong thủy Lạc Việt là một phương pháp ứng dụng có phương pháp luận xuất phát từ một lý thuyết và nguyên lý hoàn chỉnh, nhất quán, giải thích mọi vấn đề liên quan đến nó một cách hợp lý, có tính qui luật, tính khách quan và khả năng tiên tri.
Nhưng về phương pháp ứng dụng Phong thủy Lạc Việt không hề phủ định tri thức phong thuỷ truyền thống mà chỉ là sự hiệu chỉnh một số vấn đề cụ thể liên quan và thống nhất với nguyên lý của nó.
Thí dụ:
Người mạng Khảm theo sách Hán thì Sinh Khí ở Đông Nam và Tuyệt Mạng ở Tây Nam. Nay theo nguyên lý Hậu thiên Lạc Việt (Đổi chỗ Tốn – Khôn) thì Đông Nam phạm Tuyệt Mạng và Tây Nam là Sinh Khí. Mọi tương quan giữa bát quái với quái bản mệnh vẫn không đổi.
Để có một hình ảnh so sánh cụ thể: chúng ta có thể lấy lá số cho một nguơì từ trình Tử Vi Lạc Việt và một lá số lấy từ trình tử vi phi Lạc Việt để so sánh thì hoàn toàn không khác nhau là bao nhiêu. Phương pháp luận đoán không thay đổi. Mọi vấn nạn của Tử Vi như sai giờ, đoán dở, vv…vẫn như nhau trên hai lá số. Phương pháp luận và các ứng dụng về tương quan các sao khôing thay đổi . Chỉ khi Ngũ hành bản mệnh, hoặc rơi vào trường hợp tương tác với các sao là tính tương tác sẽ gia giảm.
2) Bản chất của Phong thủy Lạc Việt
Từ hàng ngàn năm trôi qua, Phong thủy là một bộ môn cấu thành nền văn hóa Đông phương và góp phần vào sự kỳ bí huyền vĩ của nền văn hóa này. Cho đến gần cuối thể kỷ 20, khi tri thức khoa học chưa thực sự phát triển thì môn Phong thủy vẫn còn bị coi là mê tín dị đoan. Nhưng đến những năm cuối của thế kỷ trước thì Phong thủy được coi là đối tượng nghiên cứu khoa học. Có thể nói hầu hết các cường quốc trên thế giới đều có các bộ phận nghiên cứu về Phong thủy. Thậm chí ở Đức – theo nguồn tin trên Tuổi Trẻ Online còn có cả Viện nghiên cứu Phong thủy. Mặc dù vậy, cho đến ngày nay các nhà khoa học chưa tìm ra được bản chất của các phương pháp ứng dụng Phong Thủy phản ánh một thực tại nào? Cho đến tận ngày hôm nay, tất cảc các phong thủy gia vẫn chỉ là những người ứng dụng phương pháp có sẵn. Họ hoàn toàn không hiểu được vì sao lại có phương pháp đó. Đây lại là một bằng chứng nữa chứng tỏ rằng:
Môn Phong thủy không thể thuộc về văn minh Hoa Hạ. Bởi vì, khi chính nền văn minh Hoa Hạ cũng không giải thích được những yếu tố có tính nguyên lý của nó và một thực tại mà nó đang ứng dụng. Bản thân thuyết Âm Dương Ngũ hành trong các bản văn chữ Hán cổ còn truyền lại cũng không hề ghi nhận tính hoàn chỉnh của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Cho đến ngày hôm nay, khi các bạn đang đọc những hàng chữ này thì vấn đề thuyết Âm Dương Ngũ hành có phải là một học thuyết hoàn chỉnh và nhất quán hay không vẫn còn là một vấn đề tranh luận về mặt lý thuyết. Trong khi đó thì môn phong thủy lại ứng dụng một cách hoàn hảo phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành như là một học thuyết hoàn chỉnh. Thật là vô lý khi hệ quả lại có trước tiên đề.
Xuất phát từ một quan điểm nhất quán: Nền Lý học Đông phương thuộc về văn minh Lạc Việt, một thời kỳ vĩ ở nam Dương Tử – tôi cho rằng:
Bản chất của Phong thủy Lạc Việt là sự ứng dụng những yếu tố tương tác trên cơ sở phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết nhất quán và hoàn chỉnh. Nguyên lý căn để được ứng dụng trong phong thủy Lạc Việt chính là Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà đồ.
IV. KẾT LUẬN
Phong thủy là một phương pháp ứng dụng có hiệu quả trong văn minh Đông phương, trải hàng ngàn năm. Đó là một thực tại không thể phủ nhận. Dù người ta nhìn nó với góc độ nào và kết luận nó là cái gì. Trước sự tiến bộ ngày càng nhanh về tri thức khoa học hiện đại và nhất là khoa học lý thuyết.
Những giá trị tồn tại trên thực tế của văn minh Đông phương đã được các khoa học gia hàng đầu nhìn nhận như một đối tượng khoa học nghiêm túc.
Phong thủy Lạc Việt chính là một hướng nghiên cứu phong thuỷ nhằm tìm về cội nguồn đích thực và những thực tại còn chưa biết ẩn chứa đằng sau hiệu quả thực tế của nó với những luận cứ đã trình bày ở trên.
Đó là lý do chúng tôi mở chuyên đề phong thủy Lạc Việt trên website Lý học Đông phương để có điều kiện thuận lợi cho hướng nghiên cứu này và đào tạo tầng lớp kế thừa nhằm gìn giữ những gía trị học thuật thuộc văn hóa truyền thống Lạc Việt. Chúng tôi rất hy vọng được sự quan tâm của quí vị học giả và những Phong thủy gia cùng tham gia nghiên cứu mở các bài viết trong mục Phong Thủy Lạc Việt, để chứng minh những giá trị đích thực của một thực tại còn huyến vĩ trong trí thức nhân loại hiện đại. Khi mà những hiệu quả thực tế của phương pháp ứng dụng trong phong thủy trải hàng ngàn năm đã chứng tỏ một thực tại mà nhân loại chưa biết đến ẩn chưa đàng sau phương pháp ứng dụng của nó.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của quí vị và anh chị em .
Thiên Sứ
—————-
Chú thích:
* Những di vật khảo cổ tìm được ở thủ Đô Ân Khư chỉ ghi nhận những dấu ấn mơ hồ liền quan đến Phong Thủy và được viết bằng văn khoa đẩu, một thứ văn tự không thuộc văn minh Hán.
* Cho đến tận ngày hôm nay, những bản văn chứ Hán vẫn chưa hề chứng tỏ sự tồn tại một cách nhất quan của thuyết Âm Dương Ngũ hành.