LA BÀN PHONG THỦY – CHƯƠNG 1.1

Posted by

CHƯƠNG MỘT

 

GIỚI THIỆU VỀ LA BÀN PHONG THỦY

 

1.1    Sơ lược về la bàn phong thủy

 

Nguyên lý sử dụng của la bàn phong thủy là lợi dụng tính cực từ của kim nam châm để chỉ phương hướng, ở bốn phía của kim nam châm thiết kế bàn phương vị, từ đó có thể dựa vào kim chỉ nam để xác định phương vị. Trên bàn phương vị viết những từ, chữ có ý nghĩa được sắp xếp theo một quy luật và nguyên lý nhất định, làm cho bàn phương vị có tác dụng và ý nghĩa bói toán. La bàn phong thủy là một công cụ dùng để xem bói toán trong kiến trúc phong thủy.

 

Từ những chiếc la bàn đơn giản thời cổ đại, phát triển đến những chiếc la bàn đa dụng, đa dạng và phức tạp ngày nay, đó là một quá trình lịch sử dài hàng ngàn năm. Trong suốt tiến trình lịch sử đó, nhiều sự vật, sự việc đã không được biết đến, chỉ có thể dựa vào những thực thể còn tồn tại và được phát hiện khi khai quật các lăng mộ, di chỉ, cũng như những tư liệu văn hiến để tìm kiếm những vết tích của nó mà thôi.

 

Căn cứ vào những tư liệu lịch sử, người Trung Quốc đã phát hiện, khám phá ra đặc tính chỉ thị hướng của kim nam châm từ rất sớm, và ngay từ thời Chiến quốc, người Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng la bàn làm công cụ để bói toán, gọi là Tư Nam. Những năm đầu thời Đông Hán, Vương Sung mô tả khá tỉ mỉ về Tư Nam trong sách như sau : « Tư Nam chi thược, đầu chi vu địa, kỳ để chỉ Nam » (« thược » là chỉ một loại đá có từ tính, được mài phỏng theo hình dạng của chòm sao Bắc Đẩu, tức hình như chiếc môi, « để » là cán môi, « địa » là địa bàn, là mặt địa bàn dùng để xem tử vi, chiêm bốc, câu này có nghĩa là : Tư Nam có hình chiếc môi, đặt trên mặt địa bàn, cán môi chỉ hướng nam). Theo như chiếc Tư Nam do tiên sinh Vương Chấn Đạc phục hồi lại trên cơ sở những tư liệu lịch sử thì trên mặt địa bàn có ghi các nội dung như bát quái, thiên can, địa chi, nhị thập bát tú, những đặc điểm này rất tương đồng với một loại la bàn rất phổ biến ở thời nhà Hán, gọi là Thức bàn. Như vậy, những chiếc la bàn thời bấy giờ đã có hai bộ phận chính cấu thành nên những chiếc la bàn đời sau này là vật thể chỉ cực từ (kim nam châm) và bàn phương vị (địa bàn), có thể thấy rằng, Tư Nam là một loại kim chỉ nam từ tính, chỉ phương hướng có tính chất bói toán, hoặc cũng có thể nói, Tư Nam là hình thức sơ khai ban đầu của la bàn phong thủy – Hình 2.

 

 

Thức bàn đời Hán là một loại la bàn dùng để xem bói toán, phần lớn được dùng với la bàn Lục nhâm và la bàn Thái ất cửu cung áp dụng thuật Lục nhâm và Kỳ môn độn giáp. Một số những chiếc la bàn Lục nhâm thu được khi khai quật cho thấy chúng gồm hai mặt đặt chồng lên nhau, mặt dưới có hình vuông, tượng trưng cho đất, gọi là địa bàn ; mặt trên có hình tròn, tượng trưng cho trời, gọi là thiên bàn, thiên bàn có thể xoay quanh một cái trục ở trung tâm.  Trên mặt la bàn loại này không có kim nam châm, mà chỉ căn cứ mối quan hệ giữa thời gian và phương vị cũng như mối quan hệ giữa thiên bàn và địa bàn để bói toán và xác định cát, hung. Trên mặt thiên bàn, ở giữa vẽ hình chòm sao Bắc Đẩu, xung quanh là thập nhị thần và nhị thập bát tú. Thập nhị thần bao gồm : Chinh minh, Thiên khôi, Tòng khôi, Truyền tống, Thắng tiên, Tiểu cát, Thái nhất, Thiên cương, Thái xung, Công tào, Đại cát, Trần hậu. Có một số Thức bàn dùng những chữ số để thay thế thập nhị thần, gọi là thập nhị nguyệt tướng. Trên mặt địa bàn thường phân thành nhiều vòng, trên đó viết bát thiên can (không ghi hai thiên can là Mậu và Kỷ), thiên-địa-nhân-quỷ tứ duy ; hoặc bát quái, thập nhị địa chi và nhị thập bát tú, cá biệt có loại còn ghi cả tam thập lục cầm. Thời cổ đại, la bàn Lục nhâm được ứng dụng rộng rãi vào việc chiêm nghiệm sự cát, hung của thời gian, phương vị trên mọi phương diện của cuộc sống xã hội. Về cách dùng, cố định địa bàn, nếu vào ban ngày thì lấy phương vị của Tí làm hướng Bắc, ban đêm thì lấy phương vị của Tí làm hướng Nam, sau đó xoay chuyển Thiên bàn, xác định mối liên hệ giữa thần tướng trên thiên bàn với can chi trên địa bàn ứng với thời gian, phương vị ; đồng thời lấy nhâm thân, nhâm ngọ, nhâm thìn, nhâm dần, nhâm tí và nhân tuất trong Lục thập giáp tí làm Lục nhâm, từ đó tìm ra Tứ khóa và Tam truyền ; cuối cùng, dựa vào  xác định sự cát, hung của ngày giờ hoặc phương vị.

 

Bàn phương vị trên các la bàn của Trung Quốc thời kỳ đầu thường có hình vuông, nhưng về sau để cho tiện dụng và dễ nhận biết hơn, bàn phương vị chuyển sang dạng hình tròn. Bàn phương vị cơ bản của La bàn Trung Quốc thường được chia thành 24 phương vị. Một vòng tròn 360 độ, chia thành 24 phương vị, cứ 15 độ ứng với một phương vị, 24 phương vị 4 cung trong hậu thiên bát quái (càn, khôn, tốn, cấn), 8 thiên can (giáp, ất, bính, đinh, canh, tân, nhâm, quý) và 12 địa chi (tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) hợp thành.

 

 

 

 

 

 

Những thư tịch cổ về phong thủy như Thanh nang ảo ngữThiên ngọc kinh hay Tuyết tâm phú đều có chép những nội dung liên quan đến la bàn. Ví dụ như trong cuốn Thiên ngọc kinh của tác giả Dương Ích đời Đường viết: thập nhị địa chi trên bàn Tiên thiên, Hậu thiên cộng thêm can và duy ; bát can và tứ duy hỗ trợ cho thập nhị chi, tử mẫu công tôn cũng từ đó mà luận ra. Trong cuốn Thanh nang ảo ngữ (cũng của Dương Ích) cũng có nhiều đoạn giải thích về cách sử dụng la bàn, những ngôn ngữ hơi tối nghĩa, khó hiểu.

 

Những chiếc kính thiên văn bằng đồng từ đời nhà Đường mới khai quật được cho thấy, thời bấy giờ, la bàn đã có nhiều nội dung và được phân thành nhiều vòng. Một chiếc kính thiên văn bằng đồng từ đời nhà Đường được tìm thấy ở tỉnh Hồ Nam thể hiện trình độ đúc đồng vô cùng tinh xảo ; từ trung tâm đến mép ngoài cùng của chiếc kính được phân thành 5 vòng, vòng thứ nhất là tứ linh thú (tứ tượng), vòng thứ hai là 12 con giáp, vòng thứ ba là hậu thiên bát quái, vòng thứ tư là nhị thập bát tú, vòng thứ năm là chữ viết.

 

Ở đời nhà Tống, nền kinh tế phát triển phồn vinh, giao thương hàng hóa trên biển được đẩy mạnh, la bàn cũng phát triển và được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực hàng hải. Nhà khoa học Thẩm Quát đời Bắc Tống đã chép trong cuốn Mộng khê bút đàm rằng : Người ta dùng loại đá có từ tính mài thành những chiếc kim nam châm, nhưng thường hơi lệch về hướng Đông chứ không chỉ hướng chính Nam. Có nhiều cách sử dụng kim nam châm như đặt trên ngón tay, đặt trên miệng bát, thả nổi trên nước, nhưng cách tốt nhất là treo bằng dây. Cách treo là dùng một sợi dây tơ buộc vào giữa cây kim, treo ở những nơi kín gió, đầu mũi kim sẽ chỉ hướng nam. Cũng có loại kim chỉ hướng Bắc.

 

 

 

 

 

 

Lời văn của cuốn sách mô tả khá tỉ mỉ về các cách dùng kim nam châm để xác định phương hướng, còn nói rõ về độ lệch của góc từ và có thể dùng loại đá có từ tính mài hai đầu cực từ khác nhau tạo thành kim chỉ hướng nam và kim chỉ hướng Bắc. Một số tác phẩm khác như Sự lâm quảng ký, Vũ kinh tổng yếu, hay Thần tiên huyền thuật còn ghi chép về hai cách thiết kế kim nam châm khác là chỉ nam ngư (kim chỉ nam hình con cá) và chỉ nam quy (kim chỉ nam hình con rùa).

 

 

Đến đầu thế kỷ 12 sau CN, trong cuốn Bình Châu khả đàm của Chu Úc và cuốn Tuyên hòa phụng sứ cao lệ kinh của Từ Căng đều nói về những chiếc kim chỉ nam dùng trong lĩnh vực hàng hải, điều đó đã cho thấy ở thời bấy giờ, kim chỉ nam đã được ứng dụng rất phổ biến và hình thức cấu tạo của la bàn ở thời kỳ này đã có nhiều biến đổi so với la bàn ở thời kỳ đầu, ví như trên la bàn đã sử dụng nhiều loại kim nam châm khác nhau.

 

 

 

 

Đến đời nhà Thanh, la bàn lại được bổ sung thêm nhiều vòng mới. Kể từ sau đời nhà Minh, do những thuyết về mệnh lý học và phong thủy học được nhập lẫn vào nhau khiến cho môn học phong thủy càng trở nên phức tạp, vì vậy mà trên những chiếc la bàn thời kỳ này phân thành rất nhiều vòng và những nội dung được ghi với mật độ khá dày đặc, nói chung ít thì vài vòng, nhiều thì mười mấy vòng, rất phức tạp. Các nhà phong thủy dựa vào đó để quan thiên, tướng địa, luận đoán sự cát hung của ngày, giờ.

 

 

 

 

 

 

1.2    Chủng loại la bàn

 

Do la bàn có một tiến trình lịch sử hình thành và phát triển tương đối dài, từ đơn giản đến phức tạp, đa dạng về hình thức ; do các trường phái phong thủy cũng như các nhà phong thủy có quan điểm khác nhau nên la bàn cũng rất đa dạng về chủng loại. Xét về chủng loại, kể từ sau đời nhà Minh, Thanh, có ba loại la bàn là la bàn Tam hợp, la bàn Tam nguyên và la bàn Tổng hợp. Cùng một loại la bàn nhưng do những trường phái, quan điểm phong thủy khác nhau và do được chế tác ở những địa phương khác nhau nên cũng có sự khác biệt nhất định. Chỉ tính riêng trong số những chiếc la bàn mà tác giả sưu tầm được đã có hơn 20 loại khác nhau về hình thức và chủng loại ; nội dung và số vòng trên la bàn cũng tùy theo kích thước khác nhau của la bàn mà khác nhau. Ví dụ như cùng là loại la bàn Tam hợp nhưng la bàn sản xuất ở tỉnh An Huy (gọi là Huy bàn) và la bàn sản xuất ở tỉnh Phúc Kiến (gọi là Kiến bàn) là khác nhau ; hoặc là những chiếc la bàn Tam hợp sản xuất ở Hồng Kông và Đài Loan đều có sự khác biệt nhất định so với những chiếc la bàn Tam hợp sản xuất ở trong nội địa Trung Quốc.

 

Luận về nơi sản xuất thì ở Trung Quốc đại lục có các xưởng sản xuất la bàn như Hưu Ninh-An Huy, Hưng Ninh-Quảng Đông, Chương Châu-Phúc Kiến, Cám Châu-Giang Tây, Hàng Châu-Chiết Giang, Ôn Châu-Chiết Giang ; thời cận đại thì có thêm các địa phương như Hà Bắc và những xưởng sản xuất ở Đài Loan, Hồng Kông, Malaisia, Nhật Bản.

 

Hiện nay, ở trong nội địa, khá nổi tiếng có xưởng sản xuất la bàn Lão Ngô Lỗ Hành ở Vạn Hoa Kiều, Hưu Ninh, tỉnh An Huy với lịch sử gần 300 năm trong nghề. Xưởng sản xuất này vẫn luôn giữ được truyền thống chế tác thủ công và đạt độ chính xác khá cao.

 

Những chiếc la bàn bằng đồng sản xuất tại Đài Loan và Hồng Kông được áp dụng công nghệ máy móc hiện đại nên đều có chất lượng và độ chính xác cao, nổi tiếng hơn cả có các thương hiệu như Thông Thắng Đường, Hàn Huy, Đông Định.

 

 

Xưởng sản xuất la bàn ở Vạn An Kiều, Hưu Ninh, An Huy có lịch sử lâu đời, theo những tư liệu điều tra của Lý Sỹ Vi thì ở thị trấn cổ Vạn An Kiều, Hưu Ninh đã từng có ba cơ sở sản xuất la bàn gia truyền là Phương  Tú Thủy, Ngô Lỗ Hành và Uông Ngưỡng Khê, trong đó, vào đầu thời kỳ nhà Thanh, xưởng sản xuất của nhà họ Uông là danh tiếng nhất. Kỹ thuật chế tác và sử dụng nguyên vật liệu của các xưởng sản xuất này vẫn mang phong cách từ thời vua Khang Hy và Càn Long. Sau cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật (1937-1945), xưởng sản xuất của hai nhà họ Uông và họ Phương lần lượt đóng cửa. Hiện nay, công nghệ sản xuất và phong cách của xưởng sản xuất la bàn Lão Ngô Lỗ Hành của nhà họ Ngô đã do tiên sinh Diên Viễn Tường kế thừa, ông cùng con gái và con rể vẫn tiếp tục sản xuất loại la bàn Huy bàn của nhà họ Ngô trước đây. Ngô Lỗ Hành sinh năm 1702 (tức năm Khang Hy thứ 41), từ nhỏ ông đã tỏ ra rất thông minh, khéo léo, ông tầm sư học nghệ và đã tinh thông kỹ thuật chế tác la bàn. Khoảng vào đời vua Ung Chính (1723-1735), ông mở xưởng sản xuất la bàn Lão Ngô Lỗ Hành ở thị trấn cổ Vạn An Kiều. Vào năm 1760 (tức năm Càn Long thứ 25), Ngô Lỗ Hành qua đời, xưởng sản xuất la bàn Lão Ngô Lỗ Hành do hậu nhân của Ngô Lỗ Hành kế thừa, xưởng này còn kiêm luôn việc sản xuất một loại thiết bị dùng để đếm giờ dựa vào ánh sáng mặt trời. Những sản phẩm của xưởng được lưu hành khắp đất nước Trung Quốc, thậm chí còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, châu Mỹ. Vào năm 1915, Huy bàn đã vinh dự được Bộ nông thương của chính phủ Bắc Dương Dân quốc trao tặng giải thưởng số 1093, cũng trong  năm đó, Huy bàn được chọn tham gia hội chợ triển lãm quốc tế tổ chức tại thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ và đã giành được giải vàng.

 

 

Dưới đây, xin giới thiệu sơ lược về ba loại la bàn cơ bản :

 

(1)   La bàn Tam hợp (Tam hợp bàn)

 

Nét đặc trưng chủ yếu của Tam hợp bàn là trên mặt la bàn có 3 vòng ghi 24 phương vị, tức gồm có địa bàn chính châm, nhân bàn trung châm và thiên bàn phùng châm ; nội dung của các vòng này kết hợp với nội dung của các vòng khác trên la bàn để định hướng, tiêu sa, nạp thủy. Tam hợp bàn còn được gọi là Dương Công bàn, bởi theo nghiên cứu của Lý Định Tín tiên sinh thì vào những năm cuối đời, Dương Công tức Dương Ích, đã tiến hành một bước cải tiến quan trọng đối với la bàn phong thủy, đó là đổi từ một can, đi với hai địa chi thành một can, đi với một địa chi, đồng thời tăng thêm vòng  thiên bàn phùng châm và vòng 72 long để tiện hơn cho việc tiêu sa, nạp thủy.

 

 

(2)   La bàn Tam nguyên

 

Nét đặc trưng chủ yếu của la bàn Tam nguyên là có vòng dịch quái 64 thẻ và thông thường chỉ có một vòng 24 phương vị, tức địa bàn chính châm, những vòng này có thể dùng để luận đoán sự cát, hung của các phương vị. La bàn Tam nguyên còn được gọi Tưởng bàn hoặc Dịch bàn, bởi tương tuyền Tưởng Đại Hồng tiên sinh đã sáng tạo thêm vòng dịch quái 64 quẻ.

 

 

(3)   La bàn Tổng hợp

 

La bàn Tổng hợp là loại la bàn kết hợp những vòng chủ yếu cấu thành nên la bàn Tam hợp và la bàn Tam nguyên ; nét đặc trưng chủ yếu của loại la bàn này là giữ được ba vòng địa bàn chính châm, nhân bàn trung châm, thiên bàn phùng châm ghi 24 phương vị của la bàn Tam hợp và vòng dịch quái 64 quẻ của la bàn Tam nguyên cũng như một số những nội dung chủ yếu khác của hai loại la bàn nêu trên, chính vì vậy nên hình thức của la bàn Tổng hợp có khá nhiều vòng và nội dung tương đối nhiều và phức tạp.